Chúng ta đã tìm hiểu: Toàn cầu hóa là gì ? và hiểu đúng về quá trình toàn cầu hóa hiện nay, trong bài viết này, mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu các động lực thúc đẩy quá trình toàn cầu hòa
Có hai động lực chính thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, đó là việc dỡ bỏ các rào cản trong các hoạt động thương mại và đầu tư ở các lĩnh vực; và sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ.
Việc dỡ bỏ các rào cản trong các hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ, công nghệ, sở hữu trí tuệ giữa các nước và lãnh thổ trên phạm vi khu vực và toàn cầu cùng với sự hình thành và tăng cường các quy định, nguyên tắc, luật lệ chung với cơ chế tổ chức để điều chỉnh và quản lý các hoạt động, giao dịch kinh tế quốc tế theo hướng tự do hoá là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Đối với lĩnh vực hàng hóa, trong khuôn khổ của Hiệp định GATT, thương mại hàng hóa là lĩnh vực thể hiện rõ nét nhất việc dỡ bỏ các rào cản theo hướng tự do hóa.
Sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ có tác động mạnh mẽ tới quá trình toàn cầu hóa, là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình này. Những tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và công nghệ bao gồm những phát minh, sáng chế, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các giống mới, các phương pháp công nghệ hiện đại, các lý thuyết và phương thức quản lý mới trong mọi lĩnh vực được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh làm tăng năng suất lao động, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư cho xã hội với chi phí thấp hơn, giá rẻ hơn, tạo ra tiền đề thúc đẩy sự hình thành và phát triển sự phân công, chuyên môn hóa lao động, sản xuất và kinh doanh theo ngành nghề, vùng lãnh thổ và giữa các quốc gia. Nhờ đó, thương mại và trao đổi quốc tế về hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động và tri thức ngày một tăng.
Trong lĩnh vực sinh học, việc khám phá ra cấu trúc ADN, hiểu biết được mật mã của sự sống là một bước ngoặt trong lịch sử sinh học. Với những kỹ thuật về di truyền học, về gien và nuôi cấy tế bào, nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi và nguồn dinh dưỡng mới được tạo ra, góp phần nâng cao năng suốt nông nghiệp, tạo ra lương thực và thực phẩm dồi dào cho con người sử dụng và trao đổi. Trong vòng ba thập kỷ, sản xuất lương thực thế giới tăng trên 100% trong khi dân số tăng trên 60%.
Lĩnh vực thông tin chứng kiến những tiến bộ phi thường, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu thế toàn cầu hóa. Với hệ thống các phương tiện và kỹ thuật thông tin hiện đại, cách mạng thông tin toàn cầu như điện thoại, fax, Internet… mối liên hệ qua lại và giao dịch giữa các cá nhân và doanh nghiệp ở mọi nơi trên thế giới trở nên nhanh chóng, thường xuyên và thuận tiện với chi phí ngày càng giảm dần; biên giới giữa các quốc gia trên nhiều phương diện đã và đang bị xóa mờ. Sự biến đổi trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt đã biến thông tin trở thành môt thứ hàng hóa, truyền thông trở thành một trong những ngành công nghiệp hàng đầu trên thế giới. Nhờ vào công nghệ thông tin, thương mại điện tử ra đời và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nhờ vào công nghệ thông tin, phương thức tổ chức và quản lý sản xuất – kinh doanh đã thay đổi vô cùng nhanh chóng. Một số nhà phân tích dự đoán rằng “Nền kinh tế điện tử„ sẽ tạo ra nhiều công ty với quy mô nhỏ, hoạt động thông qua mạng điện tử với cơ chế tạm thời hoặc không cần phải có một trụ sở làm việc chung.
Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ cũng tạo ra nhiều loại vật liệu mới có chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn thay thế những vật liệu truyền thống. Từ những năm 1980 cho đến nay, thế giới đã tăng cường sử dụng những nguồn năng lượng và vật liệu mới, khiến cho lượng dầu lửa do các nước công nghiệp tiêu thụ giảm đi trung bình 1 tỷ tấn/năm. Tỷ lệ nguồn điện nguyên tử, thủy điện, năng lượng mặt trời được sử dụng ngày càng cao trong sản xuất và đời sống. Các vật liệu mới như chất dẻo đặc biệt, vật liệu tổng hợp, sợi quang học, gốm sứ… thay thế ngày càng nhiều nguyên liệu truyền thống. Tự động hóa cũng trở thành một nét đặc trưng của khoa học – công nghệ, nhiều khâu trong sản xuất được tự động hóa, lập trình khoa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét