Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Đặc điểm và phạm vi của hoạt động kinh doanh quốc tế

Đặc điểm của hoạt động kinh doanh quốc tế
Kinh doanh quốc tế liên quan tới hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế, có thể là từ hai nước trở lên có thể liên quan tới một số hay nhiều nước trên phạm vi toàn cầu. Kinh doanh quốc tế bị tác động và ảnh hưởng lớn bởi các tiêu chí và các biến số có tính môi trường quốc tế, chẳng hạn như hệ thống luật pháp của các nước, thị trường hối đoái, sự khác biệt trong văn hóa hay các mức lạm phát khác nhau giữa các nước. Đôi khi những tiêu chí hay biến số này gần như không ảnh hưởng hay có tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh nội địa của một doanh nghiệp. Chúng ta cũng có thể nói rằng kinh doanh nội địa là một trường hợp đặc biệt hạn chế của kinh doanh quốc tế

>> Khái niệm, nội dung của môi trường kinh doanh quốc tế

Một đặc điểm nổi bật khác của kinh doanh quốc tế đó là các hãng quốc tế hoạt động trong một môi trường có nhiều biến động và luật chơi đôi khi có thể rất khó hiểu, có thể đối lập với nhau khi so sánh với kinh doanh nội địa. Trên thực tế, việc thực hiện các hoạt động kinh doanh quốc tế thực sự không giống như chơi một trò bóng mới mà giống như chơi nhiều trò bóng khác nhau mà trong đó nhà quản trị quốc tế phải học được các yếu tố đặc thù trên sân chơi. Các nhà quản trị rất nhanh nhạy trong việc tìm ra những hình thức kinh doanh mới đáp ứng được sự thay đổi của chính phủ nước ngoài về các lĩnh vực ưu tiên, và từ đó tạo lập được các lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ cạnh tranh kém nhanh nhạy hơn.

Đặc điểm và phạm vi của hoạt động kinh doanh quốc tế

Phạm vi của hoạt động kinh doanh quốc tế
Các nguyên tắc chủ đạo đối với một doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế luôn phải có cách tiếp cận toàn cầu. Các nguyên tắc chủ đạo của một doanh nghiệp có thể được định nghĩa liên quan tới ba mảng chính, đó là sản phẩm cung cấp trong mối quan hệ với phục vụ thị trường nào, các năng lực chủ chốt và các kết quả. Khi xây dựng các kế hoạch kinh doanh quốc tế, các hãng phải ra các quyết định liên quan tới việc trả lời câu hỏi: Hãng sẽ bán sản phẩm gì cho ai? Và hãng có thể có được nguồn cung ứng từ đâu và cung ứng như thế nào? Đó là hai câu hỏi liên quan tới Marketing và Sourcing (thị trường sản phẩm đầu ra và thị trường sản phẩm đầu vào). Sau khi ra được các quyết định trên, hãng cần phải cụ thể hóa các vấn đề liên quan tới nguồn nhân lực, quản trị, tính sở hữu và tài chính để trả lời câu hỏi: Với nguồn lực nào hãng sẽ triển khai các chiến lược trên? Nói một cách khác, hãng sẽ phải tìm ra nguồn nhân lực phù hợp, khả năng chịu rủi ro và nguồn lực tài chính cần thiết. Tiếp đến là vấn đề liên quan tới làm thế nào để có thể kiểm soát và xây dựng được cơ cấu tổ chức phù hợp để triển khai thực hiện những vấn đề trên. Và cuối cùng một nội dung liên quan tới quan hệ công chúng, cộng đồng cũng cần hãng phải quan tâm khi triển khai kế hoạch kinh doanh quốc tế của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét