Apple khởi động dự án siêu bí mật, chiếc iPhone ra đời. Sản phẩm được xem là con cưng của Steve Jobs. Tuy nhiên, ông đã gần như phát điên khi Samsung - một nhà cung cấp, đối tác kinh doanh của Apple lúc đó - trình làng một thiết bị tương tự.
Nhà báo Kurt Eichenwald bắt đầu điều tra những nguyên sâu xa xảy ra trong cuộc chiến không hồi kết này. Ông lục lại hồ sơ từ công ty của Hàn Quốc và đã phát hiện ra được nhiều vấn đề trong việc vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó là những chiến thuật kinh doanh tàn khốc từ Samsung. Điều này giải thích lý do tại sao, Apple được xem là chiến thắng cục bộ trên từng mặt trận, nhưng lại gục ngã trong một cuộc chiến toàn diện trước Samsung.Zing.vn lược dịch bài viết dài của Kurt Eichenwald đăng trên Vanity Fair.
Phát súng đầu tiên
Chủ tịch Samsung, Lee Kun-hee và Nguyên Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs.
Ngày 4/8/2010, trong sự nhộn nhịp tại trung tâm Seoul, thủ đô Hàn Quốc, tại tòa tháp cao 44 tầng được làm bằng kính xanh, một nhóm các giám đốc điều hành từ Apple đẩy cánh cửa xoay bước vào.
Họ đến đây để sẵn sàng cho nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho một cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử của công ty.
Cuộc đối đầu được chuẩn bị từ mùa xuân, khi Samsung cho ra mắt chiếc Galaxy S đầu tiên trên thị trường smartphone.
Apple đã sớm nghi ngờ có điều gì đó không bình thường từ công ty nước ngoài này. Hãng tập trung và trao quyền thẩm định cho một nhóm các nhà nghiên cứu của mình tại Cupertino, California, trụ sở chính của Apple.
Steve Jobs và chiếc iPhone đầu tiên của hãng. Ảnh: Ibnlive.
Các nhà thiết kế đã bắt tay vào công việc nghiên cứu ngay lập tức, và càng đánh giá thì những mối nghi ngờ về sản phẩm này ngày càng tăng.
Cuối cùng, họ đã đưa ra kết luận rằng Galaxy S hoàn toàn là một sản phẩm sao chép bất hợp pháp.
Nhìn một cách tổng thể của chiếc điện thoại, từ màn hình, tới các biểu tượng, thậm chí ngay cả chiếc hộp đựng bên ngoài cũng tương tự iPhone.
Tính năng được cấp bằng sáng chế lúc bấy giờ là "rubber-banding" và “pinch to zoom” cũng giống hệt nhau đến từng chi tiết, cùng với nhiều tính năng khác đã bị cho là sao chép từ nguyên mẫu của iPhone.
Rubber-banding: Còn gọi là “màn hình đàn hồi”. Theo đó, khi người dùng kéo xuống dưới cùng, giao diện sẽ nhún nhẹ, đàn hồi trở lại tạo sự uyển chuyển.
Pinch to zoom: Là tính năng zoom đa điểm, cho phép người dùng lấy hai ngón tay để phóng to, thu nhỏ hình ảnh như mong muốn.
Steve Jobs, Giám đốc điều hành lúc đó của Apple, đã vô cùng tức giận. Ông cùng với những cộng sự của mình phải làm việc trong nhiều năm liền để cho ra đời chiếc điện thoại mang tính đột phá. Tuy nhiên, khi đứa con của mình sắp chào đời thì Samsung - một nhà cung cấp, và là đối tác kinh doanh của Apple lúc đó - cho ra đời một thiết bị tương đương. Điều này làm cho cơn giận của Steve đã lên đến đỉnh điểm.
Vào khoảng tháng 7/2010, Steve cùng Tim Cook, COO Apple lúc bấy giờ, đã đến gặp và nói chuyện với chủ tịch của Samsung - ông Jay Y. Lee - để bày tỏ mối quan tâm của họ về những điểm tương đồng giữa hai chiếc điện thoại. Tuy nhiên, ông không hề nhận được một phản ứng thỏa đáng nào từ phía đại diện công ty Hàn Quốc.
Sau nhiều tuần thương thuyết trong ôn hòa, Steve Jobs vẫn luôn giữ một thái độ bình tĩnh và hòa nhã trong những cuộc tranh luận. Tuy nhiên, những gì ông nhận được chỉ là sự im lặng từ phía Samsung. Steve Jobs không thể kiên nhẫn thuyết phục hơn được nữa. Ông quyết định đáp trả Samsung bằng hành động.
Một cuộc họp sau đó đã được tổ chức tại Seoul. Hồ sơ ghi nhận và biên bản tham dự cuộc họp cho biết, các giám đốc điều hành của Apple được hộ tống tới phòng hội nghị cấp cao tại tòa nhà Samsung Electronics Building, nơi họ được chào đón với hơn nửa tá các kỹ sư và luật sư của Hàn Quốc.
Chiếc Galaxy S đầu tiên của Samsung ra đời năm 2010. Ảnh: Cnet.
Tiến sĩ Ahn Seung Ho, phó chủ tịch hội đồng quản trị của Samsung, là người chịu trách nhiệm đàm phán trong cuộc họp lần này. Sau một vài lời ngoại giao lịch sự và vui vẻ, Chip Lutton, một luật sư đại diện đến từ Apple, và cũng là đại diện hợp pháp cho đoàn luật sư thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ đứng lên.
Ông đưa ra một slide PowerPoint với tiêu đề: "Samsung sử dụng bằng sáng chế của Apple trong smartphone của mình".
Sau đó ông bắt đầu đưa ra những luận điểm tương đồng giữa các điện thoại mà ông cho rằng “đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng”. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của Samsung vẫn không hề có một phản ứng hay động thái nào. Vì vậy, Lutton quyết định đi thẳng vào vấn đề.
Lutton nói: "Galaxy đã sao chép iPhone".
"Ý của anh là gì, sao chép?" Ahn trả lời.
"Đó chính xác là những gì tôi đang nói", Lutton nhấn mạnh. "Công ty của ông đã sao chép iPhone của chúng tôi. Việc hai chiếc điện thoại giống nhau đến từng chi tiết hoàn toàn không thể được cho là một sự trùng hợp ngẫu nhiên".
Ahn bắt đầu lớn tiếng: "Sao ông dám nói với chúng tôi như vậy. Ông dám buộc tội chúng tôi về điều đó sao".
Ông Ahn dừng lại một lúc, rồi tiếp tục nói: "Chúng tôi đã xây dựng thương hiệu điện thoại di động này từ rất lâu. Chúng tôi có bằng sáng chế riêng của mình. Và có lẽ, chính Apple mới là những người vi phạm bằng sáng chế đó của chúng tôi”.
Thông điệp được gửi đi quá rõ ràng. Nếu giám đốc điều hành của Apple tuyên bố kiện Samsung vì tội ăn cắp bản quyền của iPhone, thì Samsung cũng sẽ đáp trả lại ngay sau đó với một tuyên bố về hành vi trộm cắp của Apple đối với mình.
Cuộc chiến nổ ra, Apple và Samsung đứng ở hai bên bờ chiến tuyến. Trong những tháng năm sau đó, Apple và Samsung đấu tranh trên một quy mô gần như chưa từng có trong lịch sử thế giới kinh doanh. Hàng tỷ USD phát sinh trong vụ kiện, hàng triệu giấy tờ pháp lý được đưa ra, cùng nhiều bản án, quyết định, và các buổi điều trần trước tòa.
Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét