Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Sự thật đằng sau những thương hiệu đồ điện tử nổi tiếng


Đa phần người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng sản phẩm của mình do chính công ty đóng logo trên đó sản xuất ra. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Đa số các thương hiệu laptop hàng đầu trên thế giới như Hewlett Packard, Toshiba, Samsung, DELL, Sony Vaio, Apple… đều không tự tay sản xuất ra những chiếc laptop mà họ đặt hàng từ các nhà sản xuất khác (hãng thứ 3) gọi chung là OEM.

Tất cả những phần chính của chiếc laptop như khung vỏ, màn hình, mainboard đều được sản xuất và lắp đặt tại các công ty OEM. Một hãng lớn sẽ đặt hàng sản phẩm theo thiết kế của họ rồi nhận về để làm nốt những công đoạn dễ dàng: “đóng” logo lên máy tính, gắn các linh kiện phần cứng cuối cùng là: chip vi xử lý (mua từ Intel, AMD hay VIA), chip đồ hoạ (mua từ Nvidia, AMD/ATI), ổ cứng HDD hoặc SSD (mua từ Intel, Samsung, Hitachi, Westen Digital, Seagate), bộ nhớ trong (mua từ Kingston, KingMax, Corsair, Hynix, Samsung…) theo nhu cầu từ phía khách hàng rồi bán ra thị trường.


Những công ty OEM nhận đặt hàng bán sản phẩm của mình cho các tên tuổi khác được gọi là nhà thiết kế gốc (ODM – Original Design Manufacturer). Một vài ví dụ cụ thể:

- Công ty Clevo thường nhận đặt hàng cho dòng máy chơi game nổi tiếng: Alienware, hay nhận làm sản phẩm cho hãng Sager, Hypersonic…

- Hãng Compal (xin đừng nhầm lẫn với Compaq của HP) làm một vài dòng máy cho DELL, Hewlett Packard (làm cả máy cho thương hiệu Compaq).

- Quanta sản xuất rất nhiều máy của dòng Dell Latitude, Sony Vaio và cho ông lớn IBM.

- Inventec làm rất nhiều máy cho Compaq (thời kỳ trước khi bị HP mua lại).

- Công ty ODM lớn nhất thế giới là Clevo và Kapok (2 đơn vị trực thuộc 1 công ty) sản xuất rất nhiều mẫu laptop cho Sager Computer.

- Ngoài ra còn có một vài cái tên khác là Mitech, FIC, Twinhead, GVC, Uniwil…

Xưởng sản xuất của những nhà ODM này đặt tại đâu? Chắc hẳn các bạn cũng dễ dàng đoán ra, đó chính là Trung Quốc – người bạn hàng xóm to lớn của chúng ta – nơi có nguồn nhân công dồi dào với giá thành cực rẻ. Có lẽ nhiều người sẽ hơi thất vọng khi biết rằng hầu hết tất cả các sản phẩm hiện đại, thời trang, đặt tiền, trên thân có tem đảm bảo “nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ” mà mình sở hữu như MacBook, Sony Vaio Z, Dell Latitude… thực chất đều đến từ ngay bên kia biên giới phía Bắc.


Trở lại một vài năm trước, chắc hẳn các bạn đều biết tới sản phẩm từng làm mưa làm gió trong thị trường siêu máy di động, là sự lựa chọn ưa thích cho những nhà làm phim ảnh đồ hoạ mang tên PowerMac (đàn anh của những chiếc MacBook Pro hiện tại) của hãng công nghệ lớn nhất hành tính Apple. Mỗi chiếc laptop này đều có giá tới 1500 USD và gắn mác “made in USA” nhưng thực tế thì hầu hết tất cả các bộ phận cấu thành đều được sản xuất tại các nhà máy đặt tại Trung Quốc.

Hiện nay, hầu hết các công ty lớn đều đã xây dựng những phân xưởng sản xuất của mình tại Trung Quốc để tận dụng nguồn nhân lực rẻ, đông đảo tại đây. Như vậy ngay cả khâu lắp ráp cũng không được thực hiện tại trụ sở chính.

Việc giảm giá thành làm ra một sản phẩm nhằm thu lợi nhuận cao nhất là mục tiêu mà công ty nào cũng hướng tới. Bằng cách thuê một hãng khác sản xuất và tiến hành lắp ráp tại nơi nhân công rẻ để tiết kiệm chi phí vận chuyển và tiền lương. Càng tiết kiệm được nhiều tiền cho việc sản xuất bao nhiêu các hãng lớn sẽ thu được nhiều tiền hơn bấy nhiêu nhờ vào “cái giá của thương hiệu”.

Hầu như tất cả những hãng laptop tên tuổi (Dell, HP, IBM, Sony, Apple…) đều không muốn công bố sự thật này. Họ thường tự nhận rằng mình chính là người tận tay làm ra sản phẩm, nhưng khi được hỏi rằng các linh kiện được sản xuất tại đâu thì họ lại im re.

Tất nhiên cũng có một số ít tên tuổi lớn trong làng máy tính xách tay trên thế giới tự mình làm ra các sản phẩm như Acer (một hãng laptop của Đài Loan), MSI (cũng có trụ sở chính tại Đài Loan).


Như vậy, bài viết này nhằm mục đích gì? Vâng, tôi muốn nói với các bạn rằng giờ đây xuất xứ cũng như thương hiệu của một chiếc laptop không còn quá quan trọng nữa bởi vì những nhãn hiệu đính trên máy không thực sự làm ra nó. Thay vào đó, người tiêu dùng nên đánh giá sản phẩm dựa trên những tiêu chí sau:

- Bảo hành: So sánh thời gian, cách thức bảo hành giữa những nhà sản xuất. Hãy chọn hãng nào có thời giản bảo hành sản phẩm dài và cách thức bảo hành đơn giản gọn nhẹ.

- Tính năng: Đảm bảo rằng chiếc laptop sở hữu cấu hình đủ mạnh, các cổng kết nối cần thiết, dáng vẻ phù hợp với nhu cầu của bạn. Đừng quá tiết kiệm nhưng cũng không nên tham lam, chỉ tổ nặng người và tốn tiền mà thôi.

- Giá: Bạn đang trả tiền cho một cái tên hay cho các tính năng và dịch vụ bảo hành? Hãy nhớ rằng những thương hiệu gần như chỉ có chức năng "trang trí" mà thôi!

Theo GenK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét